Trong quyển “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” (phần hai, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP HCM) vừa ra mắt, tác giả Phạm Công Luận dành một phần để nói về tranh bìa báo xuân thập niên 1950. Anh phỏng vấn ông Lê Minh – họa sĩ nổi tiếng một thời chuyên vẽ bìa sách truyện chưởng Kim Dung và tranh các loại. Theo ông Lê Minh, thập niên 1950 là thời hoàng kim của giới họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân ở Sài Gòn. Thời này, xu hướng dùng ảnh bìa báo Tết chưa có nên các họa sĩ như Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm có nhiều đất để sáng tạo.
“Mỗi năm nhận khoảng 5 – 6 bìa là có tiền ăn cái Tết huy hoàng rồi”, họa sĩ Lê Minh nhớ lại.
Khoảng một tháng trước Tết, các báo thời đó như: Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Ngày Mai… bắt đầu đặt họa sĩ vẽ bìa xuân.
Các chủ báo không yêu cầu gì cụ thể… Tuy nhiên, bìa báo xuân phải có hình ảnh một cô gái xinh đẹp, có cành hoa mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu ăn, lư nhang trầm…
Tranh không rõ tác giả trên bìa báo Việt Thanh – Xuân Tân Mão 1951.
Tranh trên báo xuân Giáp Ngọ 1954 của báo Thần Chung. Bức tranh toát lên nét hồn hậu của làng quê miền Tây.
“Khi xem các tờ báo xuân gần 60 năm trước, tôi thật sự thấy đó là những bức tranh đẹp, gợi cảm. Đó là dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực dành cho những người bình thường không mấy khi tiếp cận những gallery sang trọng hay các phòng khách xa hoa. Trong ký ức của người Sài Gòn lục tỉnh hay ở các tỉnh xa, đó là những hình ảnh khó phai, đầy cảm xúc khi nhìn lại” (Phạm Công Luận).
Tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn trên bìa báo Văn Nghệ – xuân 1953. Ông nằm trong nhóm họa sĩ vẽ nhiều tranh cho bìa báo xuân thời kỳ này.
Các hình ảnh bìa báo xuân Sài Gòn xưa trong sách sử dụng tư liệu của L.M. Nguyễn Hữu Triết và T.G.