Bộ tranh của trùm phát xít Hitler bán giá gần 10 tỷ đồng

Bộ tranh gồm 14 bức vẽ sơn nước do trùm phát xít Đức Adolf Hitler vẽ được mua với giá khoảng 9,6 tỷ đồng tại một cuộc đấu giá gây tranh cãi ở Nuremberg. Các tác phẩm được vẽ trong khoảng thời gian từ 1904 đến 1922.

Bức vẽ “Lâu đài Neuschwanstein của vua Ludwig II” vẽ cảnh lâu đài cổ tích được đưa ra mức đấu giá cao nhất là 100.000 euro, tức tức gần 2,5 tỷ đồng. Bức vẽ hoa cẩm chướng được bán giá 73.000 euro (khoảng 1,8 tỷ đồng). Hầu hết các tác phẩm, bao gồm các tác phẩm vẽ Prague trong sương mù, và một phụ nữ khỏa thân… đều được ký tên “A Hitler”.

Các bức vẽ hầu như đều được sáng tác trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức và xâm chiếm Châu Âu. Trước khi trở thành trùm phát xít, Hitler vô cùng yêu thích hội họa nhưng được xem là không có năng khiếu.

Hitler từng nộp đơn xin học ở Học viện nghệ thuật Vienna nhưng bị từ chối. Dù vậy, Hitler vẫn muốn vẽ và tiếp tục vẽ sau đó.

Phiên đấu giá này được đánh giá là của một bộ sưu tập tầm thường, không có giá trị nghệ thuật lắm của Hitler. Các nhà đấu giá cho rằng tác phẩm có giá trị là tài liệu lịch sử hơn.

Đơn vị tổ chức đấu giá cũng cho biết, những người tham gia đấu giá không phải là những chuyên gia trong lĩnh vực hội họa nhưng có mối quan tâm đặc biệt đến bộ sưu tập của trùm phát xít Đức.

Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Brazil, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất , Pháp, Đức và Trung Quốc.

Không có luật nào cấm được bán các tác phẩm của Hitler. Chính phủ Đức cho phép bán đấu giá tranh ảnh của Hitler với điều kiện không được đề cập đến những vấn đề cấm có liên quan đến nhân vật được xem là một trong những kẻ tàn ác nhất lịch sử thế giới.

Trùm phát xít được cho là đã vẽ ra hàng trăm tác phẩm nghệ thuật khi còn kiếm sống tại Munich và Vienna, nhưng những tác phẩm của ông thường là những bản sao chép từ tranh ảnh bưu thiếp, rồi bán lại cho du khách.

“Bởi vì Hitler không có tranh mang dấu ấn riêng của mình như một họa sĩ, mà nói chung chỉ là các tác phẩm sao chép nên rất khó để đảm bảo tác phẩm nào là của Hitler”,  nhà sử học Birgit Schwarz phát biểu trên tờ tạp chí Die Welt.

Trả lời