Lá rụng thành tranh

Xưởng tranh Lá Việt của Nguyễn Văn Duy và các bạn nằm trên tầng 4 của một ngôi nhà khiêm tốn nép mình trong con ngõ nhỏ đầu đường Trường Chinh, Hà Nội. Xưởng tranh trong một buổi chiều cuối đông dường như ấm rực lên bởi màu sắc phong phú của hàng nghìn, hàng triệu chiếc lá được gom về đây từ những cánh rừng trên khắp Việt Nam.

Cặm cụi trên bức tranh vừa hoàn thiện phần phác thảo, các hoạ sĩ phần đông còn đang sống đời sinh viên tỉ mẩn lựa những chiếc lá hợp màu, cắt tỉa, rồi gắn lên trên bức tranh đã phác thảo chì bằng một lớp keo dính silicon. La liệt khắp phòng là những bức tranh còn dang dở nhưng đã thấy hiện lên rất rõ hồn bóng của thiếu nữ xuân thì, mặt phật từ bi hay những góc phố Hà Nội rêu phong, cổ kính… Tất cả được tô vẽ bởi màu sắc, đường gân, thớ lá của hàng trăm loại lá cây quen thuộc và không quen thuộc của thiên nhiên và rừng Việt Nam. Sau nhiều công đoạn xử lý giờ đây những chiếc lá khô ấy phẳng phiu, đằm dịu toát lên những gam màu bản chất của chính mình, hanh hao đợi được hoà tan vào những ý tưởng nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ.

sad

Các họa sĩ trẻ của xưởng tranh Lá Việt.

Đứng đầu xưởng tranh Lá Việt là Nguyễn Văn Duy, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa. Học hoá phực thẩm nhưng tâm hồn lãng mạn và tình yêu với hội hoạ đã vô tình hướng anh tới một công việc mà chính anh cũng không ngờ mình sẽ theo đuổi. “Hồi còn đi học, tôi rất thích nhìn những tán cây um tùm ở sân ĐH Bách Khoa, cảm xúc theo những màu sắc lá cây thay đổi theo mùa… Tôi cùng thường nhặt những chiếc lá đẹp về ngắm nghía. Sau này, khi có điều kiện thưởng thức những bức tranh lá của Nhật Bản, Trung Quốc… tôi chợt nghĩ tại sao mình không làm những bức tranh từ nguồn lá cây vô cùng phong phú của đất nước nhiệt đới này”.

Ý tưởng đó của Duy đã lôi kéo được khá nhiều bạn trẻ hầu hết là sinh viên các trường mỹ thuật, hội hoạ tiếng tăm trong cả nước chung tay dựng lên xưởng tranh Lá Việt. Hơn một năm qua, hàng ngàn bức tranh ghép từ lá đã ra đời và bắt đầu thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật không chỉ bởi tính sáng tạo, độc đáo mà còn bởi cái hồn Việt mộc mạc trong chất liệu tự nhiên.

sd

Sau công đoạn vẽ phác thảo, các họa sĩ sẽ gắn lá lên tranh…

Khác với tranh lá của Kazuo Akasaki (Nhật Bản) thường sử dụng gam nâu bạc chủ đạo do chủ trương sử dụng màu lá tự nhiên nên dễ khiến cho người xem cảm thấy u buồn, nặng nề, không phù hợp với nhiều không gian cần trang trí khác nhau, các hoạ sĩ của Lá Việt chủ trương đưa vào tranh lá nhiều màu sắc. Nếu như người Trung Quốc, Ấn Độ vẽ tranh lên lá, thì các bạn trẻ Việt Nam lại dùng lá để dán lên tranh, dùng lá làm màu cho những bức tranh của mình.

Hơn ai hết, các hoạ sĩ tranh lá biết rất rõ mùa nào, ở cánh rừng nào sẽ có loại lá mình cần để tìm đến hoặc thuê người bản địa gom lá chuyển về. Chọn lá là một công việc không hề đơn giản. Ngay ở Hà Nội có đến hàng trăm loại cây cho lá nhưng cũng chỉ có dăm ba loại lá dùng được để làm tranh. Lá khô còn nguyên vẹn sau khi được lấy về sẽ được xử lý qua nhiều công đoạn, quan trọng nhất là luộc lá thật kỹ trong vài ngày thậm chí một tuần để tách bỏ các thành phần hữu cơ dễ phân huỷ để lá trở về màu nguyên thủy và bền hơn. Một số loại hoá chất sẽ được sử dụng để lá dai hơn, bền màu, sau đó là phẳng và sử dụng dần. Để tạo nên những sắc màu đẹp mà lá tự nhiên không thể có, các hoạ sĩ của Lá Việt đã nhuộm màu cho lá.

sd

Một tác phẩm từ lá…

“Hầu như ai cũng băn khoăn về độ bền của những bức tranh lá vì cho rằng lá là vật liệu kém bền vững, tuy nhiên, với các kỹ thuật xử lý lá, tôi đảm bảo các bức tranh vẫn đẹp sau 10 năm, thậm chí 30 năm”, anh Nguyễn Văn Vượng, quản lý xưởng tranh khẳng định.

Cũng theo anh Vượng, những bức tranh lá sẽ bền đẹp bởi lá đã được xử lý vô cùng kỹ để đạt các tiêu chuẩn về độ ẩm, độ phân huỷ; thêm vào đó, sau khi lớp nhựa dính silicon dùng để gắn lá vào mặt tranh cũng có tác dụng chống ẩm, sau khi hoàn thành, bức tranh lại được phủ một lớp sơn bóng chống ẩm nữa…

ád

Để có được màu đỏ tươi tắn trong bức tranh, các họa sĩ đã nhuộm những chiếc lá bằng một công nghệ đặt biệt…

Để hoàn thành một bức tranh, mỗi người thợ cần từ vài ngày đến nửa tháng, thậm chí nhiều hơn thế đối với những bức tranh lớn và khó. “Hầu như sẽ không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau nên mỗi lần làm sẽ là một bức tranh hoàn toàn khác, không bức nào giống bức nào. Điều này tạo nên sự độc đáo và duy nhất của tranh lá”, bạn Thuỷ, một hoạ sĩ của Lá Việt cho biết.

Tranh lá có vẻ còn mới mẻ đối với nhiều người yêu nghệ thuật Việt Nam nhưng đã có rất nhiều người nước ngoài đã tìm đến đặt hàng Lá Việt. Những bức tranh tuỳ kích cỡ sẽ có giá từ vài chục đến vài trăm đô la Mỹ. Tháng 4 tới đây, Lá Việt sẽ tổ chức triển lãm tranh để giới thiệu những tác phẩm tâm đắc nhất của mình đến công chúng.

Trả lời