Thế giới màu sắc trong tranh và gốm của học trò khiếm thị

Những bức tranh màu sắc rực rỡ, đồ gốm ngộ nghĩnh được tạo ra từ đôi bàn tay của học sinh khiếm thị.
Triển lãm “Nghệ thuật kết nối tình bạn” giới thiệu hơn 300 tác phẩm hội họa và điêu khắc của học sinh đến từ 3 ngôi trường: học sinh khiếm thị trong “Ngôi nhà nghệ thuật” của trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), học sinh khiếm thị trung tâm VPA ở Hải Dương và học sinh trường Nghệ thuật Toumelia (Thụy Điển).
Những tác phẩm chứa khát vọng, ước mơ cùng nghị lực vượt lên số phận của những học sinh kém may mắn để hòa nhập cuộc sống, để khẳng định một điều “Có thể không dùng giác quan quan trọng nhất là thị giác mà dùng tâm hồn và trái tim để làm nghệ thuật”.
Để có thể tạo ra những sản phẩm gốm thế này, các em phải trải qua  quá trình rèn luyện lâu dài. Đầu tiên là tiếp cận với giáo trình cải biên của sinh viên điêu khắc do các thầy ở trường mỹ thuật đưa đến, rồi gấp bằng giấy, cắt bằng miếng xốp để cảm nhận các khối tròn, vuông, méo. Sau 2 năm, các em được tiếp cận với những con vật như ếch, chim, trâu…để sờ và cảm nhận rồi mô phỏng con vật đó bằng cách nhào nặn bằng đất sét để cho ra sản phẩm của riêng mình.
Tại gian trưng bày còn có nơi để học sinh khiếm thị làm gốm.
Tác phẩm của em Trần Hồng Huấn (14 tuổi).
Các bức tranh chủ yếu được vẽ bằng chất liệu acrylic. Để vẽ được tranh, các em phải đặt giấy lên mảng lưới ô vuông để định vị đường nét qua tấm lưới, còn màu sắc thì phải nhờ các thầy hoặc bạn học đưa giúp rồi tự tô màu. Các bức tranh không đặt tên, không đặt giá, để người xem tự định giá, tự cảm nhận theo cách của mình.
Anh Tuấn, khách xem triển lãm ngắm nhìn rất lâu trước bức họa đồng quê của nhóm học sinh nhìn kém. Anh ấn tượng với màu sắc và nét hồn nhiên của làng quê trong bức tranh. “Tôi rất ấn tượng với màu sắc và nét hồn nhiên mà các em thể hiện trong tranh. Phải có tâm hồn rất tinh tế thì mới cảm nhận và vẽ nên được bức tranh này”, anh Tuấn nói.
Nhiều người xem thích thú ghi lại các bức tranh, đồ gốm tại triển lãm.
Những bông hoa qua cảm nhận của các em cũng trở nên đặc biệt.
Tranh của Phạm Xuân Có (17 tuổi).
Bị khiếm khuyết về đôi mắt nhưng các em có thể lần tìm thế giới bằng đôi bàn tay. Triển lãm nằm trong dự án “Nghệ thuật vượt qua thị giác” do nghệ sĩ gốm người Thụy Điển Elisabeth Pesson khởi xướng từ nhiều năm trước. Bà chia sẻ: “Đây là dự án đưa nghệ thuật đến với người khiếm thị như liệu pháp giúp giải tỏa tâm lý, vượt qua mặc cảm để tự tin với cuộc sống cộng đồng”.
Ông Đào Ngọc Huỳnh, họa sĩ, cũng là người hướng dẫn các học sinh khiếm thị trong lớp học “Ngôi nhà nghệ thuật” chia sẻ: “Thực ra, ở dự án này, chúng tôi chỉ hy vọng các em coi nghệ thuật như một liệu pháp để giải tỏa tâm lý. Nhưng những gì các em làm được quả thực rất kỳ diệu, khiến chúng tôi bất ngờ”. Triển lãm sẽ diễn ra hết ngày 17/1 tại Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội.

Trả lời